Livestream là mô hình 'bán hàng kiểu mới' của một nhà viễn thông lớn tại Việt Nam

Với sự xuất hiện của Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến trong lần đầu livestream bán hàng đã cho thấy sự "chịu chơi" và linh hoạt trong kinh doanh của một doanh nghiệp viễn thông lớn.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số nhanh hơn và mạnh hơn. Một khảo sát gần đây của Nielsen đã chỉ ra rằng: Số lượng người Việt Nam mua sắm trực tuyến đã tăng 25%. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai và có thể là kim chỉ nam cho chiến lược tái cấu trúc của các nhà bán lẻ.

Trong đó, hình thức livestream mua sắm hiện nay không chỉ giới hạn ở những người chuyên nghiệp. Càng ngày, các giám đốc điều hành và nhân viên của thương hiệu cũng phát trực tiếp đến người tiêu dùng của họ.

Khi Chủ tịch công ty cũng đích thân livestream bán hàng

Mới đây, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến của FPT Telecom bất ngờ xuất livestream bán hàng vào ngày 17/11 đã thu hút cộng đồng hào hứng theo dõi, tương tác. Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch của một công ty viễn thông lớn tại Việt Nam như FPT Telecom đích thân xuất hiện trên sóng livestream để bán hàng.

Với người đồng hành là GS Xoay - Đinh Tiến Dũng, màn livestream của Chủ tịch Hoàng Nam Tiến đã thu hút hơn 5.800 lượt like, 2.000 bình luận và 1.800 lượt chia sẻ chỉ trong vòng 60 phút. Nhiều sản phẩm công nghệ do chính FPT Telecom phát triển đã được Chủ tịch Tiến đích thân "review" và quảng cáo bằng những câu chuyện dẫn dắt hóm hỉnh và đánh trúng thực tế "nỗi đau", nhu cầu của người dùng.


Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến (phải) livestream bán hàng cùng GS. Cù Trọng Xoay (trái).

Trên thế giới, việc một vị CEO trực tiếp livestream bán hàng không phải là chuyện hiếm. Chủ tịch Gree từng phá kỷ lục bán hàng livestream với doanh thu hơn 900 triệu USD. Hay như Li Jing, Giám đốc công ty chuyên về trang trí nội thất Mendale Textile, kiếm 3,5 triệu USD sau buổi livestream kéo dài bốn tiếng. Trong khi đó, James Liang, Chủ tịch Trip.com, bán các gói du lịch trị giá 8,4 triệu USD sau 5 lần livestream, mỗi lần khoảng một giờ đồng hồ.

Nói về xu hướng livestream bán hàng, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến cho biết, hiện Việt Nam có hơn 60 triệu người dùng Facebook, 40 triệu người dùng Zalo, 20 triệu người dùng Tiktok và 8 triệu người dùng Instagram. Thị trường, khách hàng và xã hội ngày càng thay đổi nên người bán hàng cũng phải thay đổi theo. Với thị trường rộng lớn như vậy, bán hàng online không chỉ là những cô gái xinh đẹp bán mỹ phẩm mà bản thân những công ty như FPT Telecom cũng không thể nằm ngoài xu hướng.

Trong kinh doanh phải linh hoạt

Đặc biệt trong do ảnh hưởng của Covid-19, khi số lượng khách hàng sẵn sàng ngồi trước máy tính hoặc nhìn vào điện thoại để mua hàng gia tăng mạnh mẽ. Có thể thấy, ngành công nghiệp Livestream bán hàng đã xóa mờ ranh giới giữa việc khám phá và mua sắm, mang đến trải nghiệm liền mạch không giống bất kỳ công nghệ nào khác.

Theo Chủ tịch Hoàng Nam Tiến, việc đa dạng hóa kênh, chuyển đổi lên hình thức trực tuyến không chỉ hỗ trợ nhân viên bán hàng, còn giúp công ty "vượt bão" tăng trưởng thành công trong đại dịch Covid-19.


Triết lý bán hàng được Chủ tịch Hoàng Nam Tiến chia sẻ trong buổi livestream ngày 17/11.

"Trong kinh doanh phải linh hoạt, chúng tôi sẽ kết hợp giữa "offline to online, online to offline" trong thời kỳ đổi mới này. Việc livestream bán hàng sẽ tăng khả năng kết nối với người tiêu dùng một cách tiện lợi dễ dàng, có tính tương tác cao mà trước đây chưa từng có được", Chủ tịch Hoàng Nam Tiến khẳng định.

Khi được hỏi về việc ứng dụng hình thức livestream bán hàng này tại FPT Telecom, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến cho biết, tận dụng tính năng livestream của nhiều ứng dụng, nền tảng mạng xã hội sẽ gia tăng sức thuyết phục, giúp khách hàng quan sát sản phẩm dịch vụ một cách sinh động, xác thực nhất có thể. Phương thức này còn giúp khách hàng ở xa, không tiện di chuyển có thêm kênh tiếp cận. Nếu tận dụng tốt thì livestream sẽ là "vũ khí" rất lợi hại trong các chiến lược tiếp thị và thậm chí là cả quy trình phát triển, quảng bá sản phẩm của FPT Telecom.

Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, FPT Telecom vẫn liên tiếp mở rộng, đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ sản phẩm dịch vụ trên nhiều kênh online cho khách hàng từ: đăng ký online qua website, ứng dụng Hi FPT, ví điện tử,... Và việc ứng dụng hình thức livestream bán hàng sẽ là công cụ mô phỏng thêm trải nghiệm mua sắm "như ngoài đời". Người bán và người mua có thể tương tác được với nhau, được trực tiếp nhìn sản phẩm một cách chân thực vì không thể chỉnh sửa, mang lại độ tin cậy cao.